Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Nhà báo kiện tòa soạn đòi trong sạch lý lịch nghề nghiệp

“Tôi buộc lòng phải tiếp tục vụ kiện để nhờ tòa án phán quyết hủy bỏ quyết định này theo pháp luật, trả lại danh dự và sự trong sạch trong lý lịch nghề nghiệp của mình, chứ không phải vì tiền”, Nhà báo Phước tâm sự.
Hơn 2 năm trước, ông Đinh Đức Lập làm Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết (ĐĐK) ký quyết định sa thải phóng viên ông Bùi Hữu Phước (nguyên phó trưởng văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP Hồ Chí Minh) vô căn cứ. Ông Phước sau đó đã làm đơn khởi kiện và mới đây, TAND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Hữu Phước. Theo đó, tòa tuyên bố quyết định kỷ luật số 45/2013 do ông Đinh Đức Lập (tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết lúc đó) ký với hình thức buộc thôi việc với ông Phước là trái pháp luật.
Nhà báo Bùi Hữu Phước trao đổi với PV Infonet
PV Infonet, có cuộc trao đổi với Nhà báo Bùi Hữu Phước (bí danh Hữu Nguyên) để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Ông Bùi Hữu Phước cho biết: “Tôi kiện báo Đại Đoàn Kết vì phải tuân theo quy định của pháp luật. Chứ thực lòng tôi chỉ muốn kiện ông Đinh Đức Lập, người đã tổ chức trù dập tôi và hai đồng nghiệp khác (Đặng Thị Kim Ngân và Nguyễn Mạnh Thắng) bằng rất nhiều hình thức khi chúng tôi có đơn tố cáo nhiều hành vi sai phạm liên quan tới trách nhiệm công vụ khi ông Lập đang còn là tổng biên tập của báo Đại Đoàn Kết. Đỉnh điểm các hành vi trù dập của ông Đinh Đức Lập là Quyết định số 45 ngày 26/6/2013 do chính ông ký buộc thôi việc tôi một cách vô căn cứ, trái pháp luật.
Ngay khi đó, tôi đã có đơn khiếu nại gởi tới Ban biên tập báo, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban chấp hành Công đoàn Ban công tác phía Nam của MTTQ Việt Nam nơi tôi đang sinh hoạt với tư cách công đoàn viên (Vì tôi làm việc tại Ban Đại diện TPHCM của báo). Duy nhất chỉ có BCH Công đoàn Ban công tác phía Nam có công văn trả lời và gởi tới ông Đinh Đức Lập chỉ ra nhiều điểm vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý kỷ luật tôi của báo Đại Đoàn Kết. Đồng thời BCH Công đoàn Ban công tác phía Nam cũng đề nghị tổng biên tập báo xem xét lại việc kỷ luật tôi vô căn cứ.
Báo Đại Đoàn Kết mà đứng đầu là ông Đinh Đức Lập khi đó đã không hề có động thái gì để xem xét lại quyết định nói trên. Nhận thấy không thể hy vọng hay chờ đợi thêm gì ở báo, tôi buộc lòng phải kiện báo ra Tòa án để yêu cầu xét xử vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ba nhà báo kiện báo Đại Đoàn Kết chụp ảnh cùng nhau.
Nhà báo Bùi Hữu Phước chia sẻ: “Việc tố cáo ông Đinh Đức Lập là thực hiện quyền công dân theo đúng quy định của luật pháp. Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi còn nghĩ tới trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh từ trung ương, tới địa phương các cấp Đảng, Nhà nước và MTTQ đang ra sức động viên, kêu gọi mọi người tham gia, chung tay đấu tranh các biểu hiện tiêu cực đối với người có chức có quyền.
Việc này các đồng nghiệp là những nhà báo chắc biết rất rõ. Báo chí chúng ta đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong xã hội nói chung nhưng thông thường ít người trực diện đấu tranh với cái xấu tại chính nơi mình đang làm việc. Đặc biệt là đấu tranh với chính những người đang là cấp trên trực tiếp, có quyền sinh quyền sát với bản thân mình. Chính vì hiểu rõ sự khó khăn của những người đấu tranh trong thế yếu mà các nhà làm luật về tố cáo, về phòng chống tham nhũng đã rất cẩn thận đề ra nhiều quy định cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ người đấu tranh, tố cáo.
Bản thân tôi mong muốn được làm việc trong một môi trường làm báo lành mạnh, công bằng, dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tôi chẳng có động cơ nào khác là mong muốn có mặt trong một cơ quan báo chí có môi trường tốt đẹp như thế để được làm việc hết sức mình và được đối xử tôn trọng, bình đẳng”.
Tuy nhiên, ông Phước cũng thẳng thắn nói: “Tôi chỉ muốn vụ việc của tôi được xem xét một cách khách quan, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong quá trình và cả sau khi ra quyết định buộc thôi việc tôi, tổng biên tập Đinh Đức Lập và nhóm lợi ích xung quanh ông ta đã tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc đối với tôi. Cách họ xử lý kỷ luật tôi chẳng khác nào một cuộc “đấu tố”. Những người tốt có ý kiến khác họ cũng chẳng có cơ hội nói ra hoặc không dám nói ra vì sợ và muốn yên thân.
Tôi biết nguyên tắc của Tòa án là xét xử độc lập, tuân theo pháp luật. Vì thế tôi hy vọng những điều sai trái mà Quyết định 45  cố tình gán ghép, chụp mũ cho tôi sẽ phải bị vạch trần trước ánh sáng công lý.
Khi những giá trị đúng đắn được pháp luật bảo vệ sẽ góp phần hạn chế cái xấu phát triển. Những kẻ lạm dụng quyền lực bất chấp pháp luật chà đạp người khác sẽ phải biết sợ và chùng tay lại. Tin cậy vào “thần linh pháp quyển”, sống và làm việc theo pháp luật chính là quan điểm nhất quán của tôi trong vụ kiện này và cả trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày”.
Luật sư Phạm Quốc Bình (ngoài cùng) bên phải bảo vệ quyền lợi cho Nhà báo Hữu Phước.
“Đơn giản vì yêu cầu tối thiểu của tôi vẫn chưa được giải quyết. Đó là báo phải hủy bỏ, thu hồi hoặc bằng cách gì đó vô hiệu hóa Quyết định 45 do ông Đinh Đức Lập ký. Báo đã chỉ mời tôi làm việc lại với một quyết định hoàn toàn mới chẳng có liên quan hay đề cập gì tới việc phải xử lý dứt điểm quyết định buộc thôi việc tôi một cách vô căn cứ trước đây.
Tôi nhiều lần phát biểu quan điểm của mình trong các cuộc gặp lãnh đạo mới của báo,  rằng tôi ghi nhận thiện chí của ban lãnh đạo mới và cũng không hề muốn gây khó khăn cho báo nên sẵn sàng không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào về quyền lợi vật chất đã mất do Quyết định 45 thời ông Đinh Đức Lập gây ra. Nhưng yêu cầu cuối cùng mà tôi không thể nhượng bộ là nhất định phải hủy bỏ quyết định trái pháp luật này thì tôi mới rút lại vụ kiện.
Tôi nhận thấy lãnh đạo MTTQ Việt Nam cũng rất có thiện chí tạo điều kiện cho báo xử lý trong nội bộ bằng thương lượng với chúng tôi một cách thỏa đáng để các bên không phải ra tòa nữa. Thế nhưng tôi không hiểu vì sao báo lại không thể rút lại quyết định 45 mà giờ đây Tòa án đã tuyên bố là quyết định oan sai, vi phạm pháp luật buộc báo phải hủy bỏ.
Quyết định 45 về bản chất là một quyết định trái pháp luật nhưng nếu chưa có cơ quan thẩm quyền nào hủy bỏ nó thì tôi vẫn phải mang cái án kỷ luật bị buộc thôi việc một cách oan ức. Do vậy, tôi buộc lòng phải tiếp tục vụ kiện để nhờ tòa án phán quyết hủy bỏ quyết định này theo pháp luật, trả lại danh dự và sự trong sạch trong lý lịch nghề nghiệp của mình, chứ không phải vì tiền”, Nhà báo Phước tâm sự.
Tiến Dũng
(Nguồn: Infornet
http://infonet.vn/nha-bao-kien-toa-soan-doi-trong-sach-ly-lich-nghe-nghiep-post177522.info)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét